Quảng cáo

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Du lịch Đền thờ Bác Hồ - Ba Vì

Du lịch Đền thờ Bác Hồ - Ba Vì

Du lịch Đền thờ Bác Hồ - Ba Vì là một trong những nơi thiêng liêng và nhiều cảnh đẹp, đền thờ bác được đạt tại Đỉnh vua.



Ðền thờ Bác Hồ được đặt trên ngọn cao nhất của dãy núi Ba Vì (Hà Nội) mà truyền thuyết dân gian vẫn gọi là Ðỉnh Vua, cao 1.296 m.

Ðền được thiết kế và xây dựng theo kết cấu bền vững, phong cách đậm đà bản sắc dân tộc, uy nghiêm mà ấm cúng và cũng toát lên sự giản dị như ngôi nhà sàn nơi Người đã sống và làm việc nhiều năm ở Hà Nội. Bức tượng đồng Bác đang ngồi đọc Báo Nhân Dân (đúng bằng hình dáng của Người trước lúc đi xa) đặt trên bệ đá ở chính giữa nơi đặt bàn thờ trong đền. Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương mầu đỏ, phía dưới về hai bên phải, trái là chuông đồng và khánh đồng - sản phẩm đúc đồng truyền thống Việt Nam do các nghệ nhân làng nghề ở Nam Ðịnh thực hiện. Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa thể hiện sự trường tồn, vĩnh cửu.



Lên đây, sau niềm hạnh phúc lớn lao như được thấy Người lúc sinh thời, một trong những điều đặc sắc tiếp theo là lớp lớp các thế hệ con cháu Bác Hồ được đọc một phần nguyên bản trong Di chúc bất hủ mà Người đã để lại cho toàn Ðảng, toàn dân. Bản Di chúc được tạc trên tấm bia đá lớn đúng nét chữ của Bác Hồ kính yêu.

Một nét đặc sắc khác là ý thức bảo vệ rừng rất cao trong quá trình xây dựng công trình thiêng liêng này. Thoạt nhìn ngôi đền với những cây cột lớn, mầu sắc của mái, rầm, xà ngang và lan can... ai cũng ngỡ là được làm bằng những cây cổ thụ hoặc ốp gỗ. Nhưng hoàn toàn không phải thế, mà tất cả đều bằng xi-măng, hoặc kết cấu bê-tông và được chọn mầu sơn phủ như là gỗ vậy. Hơn thế, trong khi tìm lối, mở đường và làm đường để mang vác vật liệu xây dựng đền, từng cây rừng dù thân, gốc chỉ to bằng cây mía cũng được giữ nguyên, tuyệt đối không chặt phá. Cho nên ở nhiều bậc thang trên lối đi lên Ðỉnh Vua, chúng ta đều thấy những người thợ xây đã xếp đặt cẩn thận đá và trát xi-măng, cát bao quanh những gốc cây rừng nho nhỏ.

Những sĩ quan, chiến sĩ công binh, cán bộ kiểm lâm và một số thanh niên tình nguyện thuộc các dân tộc ở địa phương đã hết sức nâng niu, bảo vệ thảm thực vật ở khu rừng nguyên sinh - Vườn Quốc gia Ba Vì - trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quang vinh xây dựng Ðền thờ Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.

Từ mấy chục năm nay, nhất là khoảng dăm năm gần đây, nhiều khách du lịch đã tới Ba Vì. Nhưng hầu hết trong số họ chỉ lên quá chân núi một chút để dừng lại nghỉ ngơi, vui chơi ở một khách sạn nhỏ có bể bơi ngoài trời cỡ trung bình. Tại độ cao ấy nhìn xuống cũng đã thấy cả một vùng bao la núi đồi, ruộng nương, bản làng ở phía dưới; ngước lên thấy những đám mây trời ánh bạc vờn đuổi nhau rồi ôm ấp che mờ đỉnh núi. Một số ít người theo ô-tô hoặc phóng xe máy tới được Trạm Kiểm lâm (ở độ cao 1.100 m), rồi từ đó đi bộ theo đường dân sinh (đường mòn, tương tự đường lên Chùa Hương) để lên ngọn Tản Viên cao 1.226 m, nơi có Ðền thờ Ðức Thánh Tản (Sơn Tinh). Còn Ðỉnh Vua thì cho tới năm 1998 vẫn chưa có du khách nào trèo lên và cũng chẳng có mấy ai biết rằng trên chóp núi cao nhất đó lại có một khoảng đất bằng phẳng dường như cả nghìn năm nay vẫn được để dành, vẫn chờ đợi để được mang một sứ mệnh thiêng liêng tương xứng.

Từ cuối năm 1998 đến đầu năm 1999, nghĩa là bước vào dịp kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số đồng bào và cán bộ vốn có tâm huyết xây dựng Ðền thờ Bác Hồ đã phát hiện được nơi này. Sau đó, họ cùng nhau góp công sức tự tổ chức thiết kế và xây dựng chỉ trong khoảng sáu tháng đã căn bản hoàn thành công trình. Việc xây dựng Ðền thờ là phù hợp với một số ý tưởng trong Di chúc của Bác và cũng đã được sự phê chuẩn của đồng chí Ðào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư hồi đó.

Ðầu thu năm Kỷ Mão 1999, nhiều người được tin Ðền thờ Bác Hồ trên Ðỉnh Vua vừa hoàn thành đã hào hứng kéo nhau lên thăm viếng, dù phải leo qua không ít đoạn dốc dựng đứng của con đường nhỏ luồn lách, uốn lượn quanh những gốc cây rừng. Ðó là con đường phục vụ thi công công trình và cũng tạm dùng cho khách thăm.

Nhân dịp đón Xuân Canh Thìn (2000), Tân Tỵ (2001) và các ngày lễ lớn..., nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đã lên dâng hương tại Ðền thờ Bác. Ðiều đó vừa thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là sự ghi nhận, trân trọng trí tuệ, tâm huyết và thành quả lao động của các cán bộ và nhân dân đã xây dựng công trình lịch sử này. Ðặc biệt là ngày 2-5-2000, trong không khí toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân sôi nổi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích xuất sắc kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã lên Ðền thờ Bác Hồ dâng hương và báo cáo với Bác kính yêu: "Dân tộc ta bước vào thế kỷ mới với quyết tâm kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi điều mong muốn tột bậc của Bác, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội". Ðồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ đạo Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương: "Bảo tồn, tôn tạo khu di tích rất quý báu này, nơi Bác Hồ đã nhiều lần đến làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".

Thường thường vào dịp 21 tháng 7 âm lịch là ngày giỗ Cụ Hồ theo truyền thống dân tộc (ngày 2-9-1969 là ngày 21-7 Kỷ Dậu). Sau khi dâng hương, mọi người trải chiếu ngồi kín cả sàn nhà, cảnh tượng con cháu quây quần bên các mâm cỗ thật nhộn nhịp và ấm cúng, đúng là không khí của một ngày giỗ lớn. Ngước lên tượng Bác, dường như ai cũng thấy Người hiền từ nhìn khắp lượt cháu con, nhìn khắp nhân gian và hài lòng thấy dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, nước ta ngày càng đổi mới và phát triển vững mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. đồng bào lên đền dâng hương đông nhất. 
Ðến nay đã có hàng vạn lượt người lên dâng hương tại ngôi đền thiêng liêng này và cũng đã hình thành một xu hướng du lịch về nguồn tại nơi đây. Lên đền, ai cũng có chung cảm nhận: Lên càng cao, nhất là khi tới Ðỉnh Vua, càng thấy đất trời, khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên Ba Vì kỳ thú và mỗi khi những áng mây trắng ở phía dưới bồng bềnh trôi qua lại như vén đi tấm màn mỏng cho ta được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng sự bao la, hùng vĩ của cả một vùng gồm nhiều tỉnh, thành phố nằm dưới tầm bao quát của đỉnh núi này. Khi trời quang đãng, ta có thể nhìn thấy dòng sông Ðà như dải lụa xanh dài tít tắp uốn lượn theo những triền núi, xa mờ nơi đầu phía tây - bắc dải lụa đó là Nhà máy thủy điện Hòa Bình thấp thoáng trong khói sương và mây trắng. Ðúng như thơ Bác:

Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non

Và cả vùng rừng núi bao la, hùng vĩ ấy, từ nay thêm ấm cúng nhờ những tiếng chuông đồng thi thoảng ngân vang, trầm hùng, từ Ðỉnh Vua lan tỏa khắp không gian và thời gian.

Những ngày này, cả nước đang nhìn lại chặng đường 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cùng nhau thực hiện ngày càng tốt hơn Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Ðồng thời, toàn bộ tỉnh Hà Tây, trong đó có Núi Tổ Ba Vì đã nhập về Hà Nội và là điểm tựa thiên nhiên hùng vĩ của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến với thế đất "rồng cuộn, hổ ngồi".

Từ sau khi có ngôi đền, nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu thêm trong các trang sử vàng, trong truyền thuyết dân gian và được biết: Từ lâu đời, cha ông chúng ta đã gọi Ba Vì là Núi Tổ. Sau này, vào triều Lê sơ, Nguyễn Trãi cũng đã viết Ba Vì là Núi Tổ - cội nguồn địa lý của Kinh đô Ðông Ðô nước Ðại Việt (Thăng Long - Hà Nội ngày nay). Rồi mấy trăm năm sau đó, Phan Huy Chú trong cuốn Dư địa chí Sơn Tây cũng viết những điều tương tự về Núi Tổ.

Trong không khí hào hùng và không gian rộng mở đó, lên Ba Vì càng thấm đậm niềm yêu thương, tự hào về Tổ quốc. Lên Ba Vì như được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc, vị thánh, tiên ông đang ngồi ung dung đọc báo và suy ngẫm giữa mây ngàn ở một trong những nơi hội tụ khí thiêng non nước Việt Nam ta.

- YX-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét